TRỊ MỤN, MỜ THÂM, SÁNG MỊN DA VỚI AZELAIC ACID
Chào các bạn,
Có ai tối 20-10 còn ở nhà để đọc bài này không ạ? T.T Mình viết bài tổng hợp các thành phần nhiều rồi chắc nhiều bạn sẽ thấy hơi nặng nề và rối quá Nên hôm nay, mình muốn tập trung về 1 chất thôi, không biết các bạn có thấy hữu ích không?
…
Azelaic Acid bản chất là một dicarboxylic acid, và là thành phần xuất hiện từ lâu trong các loại thuốc trị mụn, trị thâm nám, điều trị chứng đỏ mặt, nên có thể nói là nó rất đa di năng. Chưa kể nó còn là một trong những thành phần “OG” – được khoa học nghiên cứu rất rộng rãi rồi, không có gì nghi ngờ về độ hiệu quả của nó nữa, nên mình nghĩ Azelaic Acid xứng đáng để nhiều người biết đến hơn *vỗ tay*. Chứ mình sợ cảnh người người nhà nhà đổ nhau đi dùng tretinoin không đúng cách, rồi mặt rát bong tróc mất nước hết cả, mà quên mất còn 1 thứ khác cũng “thần thánh” mà lại ít phản ứng phụ hơn: AZELAIC ACID!
…
<3 CÔNG DỤNG CỦA AZELAIC ACID <3
1/ TRỊ MỤN
- Azelaic Acid (viết gọn là Azelaic thôi nhé) ngừa MỤN TRỨNG CÁ hiệu quả bằng cách ngăn sừng hóa, có nghĩa là không cho da chết tích tụ và làm bít tắc lỗ chân lông, tạo điều kiện để mụn phát triển. Ngoài ra, Azelaic có tính năng kháng viêm và kháng khuẩn, nên giúp giảm tình trạng mụn sưng đỏ, đau trên mặt nhanh chóng.
(*) Khi mình bị mụn (thường là mụn nội tiết mỗi khi “chị dâu” ghé thăm), mình bôi 1 lớp mỏng kem Azelaic lên phần da có mụn vào buổi sáng, và chỉ cần đến tối thôi, phần mụn của mình đã đỡ sưng khoảng 40% rồi.
Và không phải chỉ mình mới thích thú với kết quả trị mụn của nó. Có nghiên cứu đã chỉ ra, trong 6 tháng thử nghiệm trên da 289 bệnh nhân, kem trị mụn chứa 20% Azelaic cho hiệu quả tương đương kem mụn chứa 0.05% tretinoin, và ít để lại tác dụng phụ hơn. Vì vậy, Azelaic thường được dùng để chữa mụn cho nhiều người chưa quen tiếp xúc với các loại acid, treatment khác. Và Azelaic AN TOÀN CHO BÀ BẦU nữa nhé. Mẹ bầu nào sợ dùng BHA hay Retinoids thì có thể dùng Azelaic ạ.
- Với MỤN ĐẦU ĐEN + SỢI BÃ NHỜN thì sao? Vì khả năng ngăn sừng hóa của nó, đương nhiên, về lý thuyết nó có thể giúp cải thiện tình trạng mụn đầu đen và sợi bã nhờn. Bạn cứ tưởng tượng, có ít tế bào chết bít tắc lỗ chân lông hơn, bã nhờn có tiết ra nhiều cũng có thể chảy dàn đều lên bề mặt da, không bị đặc 1 cục trong lỗ chân lông nữa, nên sợi bã nhờn giảm, mụn đầu đen cũng khó hình thành hơn.
(*) Tuy nhiên, với trải nghiệm của mình, Azelaic không giúp ích nhiều cho đám sợi bã nhờn trên vùng T-Zone của mình, ít nhất là không hiệu quả bằng Tretinoin hay 10% Niacinamide + 1 Zinc. Tất nhiên, cảm nhận của mình không là đại diện cho mọi người, nên các bạn hoàn toàn có thể thử Azelaic cho sợi bã nhờn/mụn đầu đen. Nhưng bạn cứ thử các loại BHA, AHA, PHA… (các loại acid “gột mặt”) trước đi nhé, nếu không hiệu quả với lỗ chân lông, hẵng thử đến Azelaic.
- Điều hay ho về Azelaic nữa là nó có thể được dùng để TRỊ MỤN NẤM MEN (fungal acne) và VIÊM DA TIẾT BÃ NHỜN (Seborrheic Dermatitis), nói chung những thứ gây ra bởi thằng men Malassezia (Pityrosporum) đáng ghét. À nếu các bạn chưa biết, mụn nấm men là cái kiểu mụn nhỏ li ti lổn nhổn trên mặt (thường là ở trán) mà cứ khi các bạn dùng đồ có chất lên men hoặc các loại dầu là cái đống mụn đấy lại trở nên nặng hơn ấy Thật khó chịu đúng không? Nhưng đừng lo, đã có Azelaic đây rồi :v
Azelaic trị mụn nấm men bằng cách ức chế lượng acid béo tự do trên da, mà đây chính là “lương thực” ngon lành cho bọn nấm men kia. Giảm lượng acid béo tự do trong bã nhờn => mụn nấm men tự động cũng sẽ giảm theo.
Để thực tế hơn cho các bạn, Azelaic có phải là thành phần chữa mụn nấm men hiệu quả nhất không? … Có lẽ là không. Nhưng nó có phải là sự lựa chọn tốt và an toàn khi điều trị mụn nấm men không? Chắc chắn là có.
===
2/ GIẢM THÂM NÁM
Nếu các bạn còn nhớ trong bài Xử lý thâm theo 4 giai đoạn của mình, Azelaic là thành phần giúp ức chế sự hoạt động của Tyrosinase – enzyme khởi động quá trình sản sinh hắc sắc tố để hình thành vết thâm. Ngoài ra, Azelaic còn ức chế sự tổng hợp DNA trong tế bào hắc tố melanocyte => giảm sự hình thành thâm nám.
Theo một số nghiên cứu được thực hiện trên bệnh nhân bị nám da, 20% Azelaic trị nám hiệu quả hơn 2% Hydroquinone và hiệu quả tương đương 4% Hydroquinone. Tất nhiên, trong thực tế sử dụng, hiệu quả chênh lệch đến đâu còn tùy vào cụ thể sản phẩm bạn dùng và cách bạn sử dụng. Nhưng kết quả trên cho thấy Azelaic không hề yếu kém trong khoản trị thâm nám.
Và khi kết hợp với Tretinoin, hiệu quả sáng da, giảm thâm nám càng được nâng cao. Nên nếu các bạn bị thâm nám lâu năm, dùng Tretinoin mấy tháng rồi chưa thấy giảm thâm nám mấy, có thể kết hợp dùng thêm Azelaic vào buổi sáng xem.
Ngoài ra, cũng vì Azelaic kháng viêm, nên nó giúp giảm hiện tượng tổn thương trên da. Tổn thương ít thì quá trình kích thích sản sinh vết thâm cũng được kiềm bớt, nếu có thâm thì thâm cũng mờ thôi.
(*) Đối với mình, do mình chưa dùng Azelaic đủ 3 tháng, mình chưa thấy kết luận về tác dụng đầy đủ của nó trên các vết thâm cũ. Nhưng trên vết thâm mới hình thành do mụn, khi dùng Azelaic (bôi vào buổi sáng), mình thấy vết thâm mờ đi nhanh hơn rõ rệt so với khi chỉ dùng Tretinoin (tất nhiên đi kèm là bôi kem chống nắng cật lực nha).
===
3/ LÀM MỊN KẾT CẤU DA
Như mình đã nói về cách thức hoạt động của nó, Azelaic bình thường hóa quá trình sừng hóa, ngăn da chết tích tự đầy ứ trên da, nên đương nhiên, bề mặt da cũng sẽ mịn màng hơn.
Vì khả năng ngăn sừng hóa này của Azelaic không mạnh bằng Retinoids, nên trên da của mình, Tretinoin vẫn khiến da mình mịn màng rõ ràng hơn.
(phần này siêu ngắn nhỉ :v)
==
4/ CHỐNG LÃO HÓA
Tương tự như khả năng làm mịn da, tính năng chống lão hoá của Azelaic như kiểu một hiệu ứng bonus thôi. Nó kháng viêm và ngăn sừng hóa, nên đương nhiên nó sẽ giúp da chúng ta khỏe mạnh hơn, ít tổn thương hơn => quá trình lão hóa da sẽ không diễn ra nhanh như khi ta không chăm sóc nó.
Nhưng nếu để so sánh, Azelaic không trực tiếp chống lão hóa và kích thích sản sinh collagen như Retinoids hay Vitamin C đâu nhé.
…
<3 SO SÁNH VỚI RETINOIDS <3
So với các loại Retinoids, nếu các bạn đã đọc hết các phần trước, có thể thấy, về lý thuyết, Azelaic không nổi trội hơn Retinoids. Azelaic như là 1 “người em” yếu hơn và dịu nhẹ hơn Retinoids 1 chút.
Nhưng đó là trên lý thuyết và trên các nghiên cứu thôi nhé, trên da cụ thể của từng bạn, hiệu quả có thể rất khác. Mình biết nhiều người dùng Tretinoin không thích, chuyển sang Azelaic lại rất hiệu quả. Thế nên, để biết da bạn hợp Azelaic hay Retinoids hơn, chỉ có cách là thử thôi nha )
Với các bạn đã dùng Retinoids rồi, bạn hoàn toàn có thể kết hợp thêm Azelaic để tăng hiệu quả của tất cả các tính năng mình nói trên. Tuy nhiên, như với mọi thành phần đặc trị khác, kết hợp thêm Azelaic vào thì bạn vẫn cần rất cẩn thận. Không nên bộp 1 phát bôi kiểu 15, 20% Azelaic vào da hằng ngày, ngày 2 lần luôn, chẳng may da lại bị quá tải, tá hỏa lên, lại bong tróc, rát đỏ thì khóc. Tốt nhất, khi mới kết hợp, bạn bôi 10% thôi cũng được. Còn nếu muốn tăng nồng độ, có thể dùng 15 hoặc 20% vào buổi sáng (để tối bôi Retinoids) và bôi cách ngày hoặc 2 lần/tuần. Theo dõi kỹ làn da, có dấu hiệu không ổn là dừng lại ngay hoặc giảm cường độ.
....
<3 HẠN CHẾ CỦA AZELAIC ACID? <3
Thực sự thì Azelaic không có hạn chế gì mấy. Nó đa công dụng, hoạt động dịu nhẹ, tốt cho nhiều trường hợp da, phù hợp với nhiều người, dễ kết hợp với các thành phần khác. Nói chung bản thân nó không có vấn đề gì. Nhưng tất nhiên, nếu các bạn dùng không đúng cách, da chưa dùng đồ acid đặc trị bao giờ đã bôi nồng độ cao và bôi liền tù tì cả sáng cả tối, ngày nào cũng bôi, cũng đừng bất ngờ nếu da bạn bị đỏ rát và bong tróc.
…
<3 CÁCH CHỌN VÀ DÙNG SẢN PHẨM AZELAIC <3
(*) Khi chọn mua đồ Azelaic, bạn cần nhớ 3 điểm sau:
- Thứ nhất là độ pH sản phẩm trong khoảng 4 đến 5.
- Thứ 2 là ở cái vehicle. Cái nền của sản phẩm thì mỗi hãng lại có cách khác nhau để tối đa hóa lượng Azelaic có thể thấm vào da để hoạt động. Cái này chúng mình không đủ sức để xác định chính xác đâu, nên cứ đoán già đoán non dựa trên lý thuyết đơn giản là: kết cấu gel mỏng nhẹ thì thường Azelaic hoạt động mạnh và nhanh hơn, kết cấu cream đặc thì nó hoạt động chậm hơn.
- Thứ 3 là ở nồng độ. Về vấn đề này thì như sau:
+ Sản phẩm mỹ phẩm chứa Azelaic trên thị trường cũng không nhiều nhặn gì cho cam, và thường được thiết kế ở nồng độ khá thấp (tầm 8-10%), ví dụ như:
The Ordinary 10% Azelaic Acid Suspension (10%)
Garden of Wisdom Azelaic Acid Serum (10%)
Paula’s Choice Azelaic Acid Booster (10%)
Các sản phẩm này khá là dịu nhẹ, bôi hằng ngày được, sáng tối được, hợp với những bạn mới dùng thử Azelaic, muốn có thêm sản phẩm hỗ trợ trị mụn, trị thâm trong khi cũng dùng những thành phần trị mụn, trị thâm khác. Chứ mình không nghĩ 1 mình Azelaic ở 10% sẽ cho bạn hiệu quả trị mụn, mờ thâm rõ rệt.
+ Bên cạnh những loại mỹ phẩm trên, bạn có thể tìm đến Azelaic dạng thuốc ở nồng độ cao hơn, từ 15-20%. Ví dụ như:
Finacea Gel (15%) – em này vehicle tốt nên cho hiệu quả Azelaic rất nhanh
Skinoren Cream (20%)
Derma Forte (20%)
AzClear Lotion (20%) – loại mình đang dùng, em này kết cấu mỏng nhẹ, không vón, không nhờn, không khô, nói chung vừa phải, dễ dùng ngay dưới lớp kem dưỡng khóa ẩm.
Khi dùng các loại nồng độ cao này, bạn nhớ là dùng từ từ thôi!! Bắt đầu bôi 1 tuần/2 lần chẳng hạn, bôi vào buổi sáng, đương nhiên kèm theo dưỡng ẩm và chống nắng tử tế nhé. Sau khi thấy da không có hiện tượng phản ứng gì lạ, có thể bôi tăng lên cách ngày, rồi lên hằng ngày.
(*) Kết hợp với các thành phần khác thế nào?
Như mình đã nói, Azelaic không khó để kết hợp với các thành phần khác. Các bạn dùng chung với Vitamin C (Ascorbic Acid) vào buổi sáng cũng được, chỉ cần cách nhau khoảng 15-20 phút là ok. Đêm bạn vẫn dùng Retinoids hoặc AHA/BHA gì đó tùy bạn.
Như mình hiện tại thì mình vẫn dùng VitC hằng sáng (không sót ngày nào), Azelaic buổi sáng cách ngày nhưng bôi vào chỗ có mụn hoặc có thâm thôi chứ không bôi toàn mặt. Tối mình dùng Tretinoin 2 lần/tuần, tối nào không dùng Tretinoin thì bôi AHA/BHA hoặc VitC được thì càng tốt.
…
Mình viết bài này để giúp các bạn hiểu rằng, trị mụn, sáng da, mờ thâm còn có sự lựa chọn khác ngoài Tretinoin rồi AHA, Hydroquinone… những thứ dễ gây phản ứng phụ hơn nếu các bạn dùng không đúng cách (hoặc đen hơn là da không hợp).
Hy vọng bài viết có ích với các bạn, hẹn gặp lạiiiii
XOXO
同時也有10000部Youtube影片,追蹤數超過2,910的網紅コバにゃんチャンネル,也在其Youtube影片中提到,...
「tyrosinase ascorbic acid」的推薦目錄:
tyrosinase ascorbic acid 在 Angela On Mars Facebook 的最佳貼文
XỬ LÝ VẾT THÂM QUA 4 GIAI ĐOẠN
Chào các bạn,
Mình biết vết thâm là vấn đề “ám ảnh” rất nhiều người, nhất là với những bạn da dễ bị mụn dẫn đến vết thâm sau mụn, và đương nhiên, với phần dân số “đen đủi” dính cơ địa dễ thâm nám T.T
Vì vậy, hôm nay, mình muốn viết 1 bài về cách xử lý thâm qua 4 giai đoạn riêng biệt để giúp các bạn giải quyết vết thâm ĐÚNG và TRÚNG hơn, chọn thành phần trị thâm, làm sáng hợp với da mình. Và cũng để mọi người có cái nhìn và kỳ vọng đúng hơn về sản phẩm trị thâm, khỏi phải buồn vì “sao người ta quảng cáo cái này trị thâm mà thâm mình vẫn y nguyên T.T”.
Tất nhiên, những thông tin ở đây chỉ là tham khảo, lời mình nói không phải là lời của chuyên gia với bằng cấp về skincare, mình chỉ đơn giản là đang tổng hợp lại thông tin giúp các bạn thôi. Những người có da thâm mụn lâu năm, đậm màu, hoặc tự dưng nám xuất hiện vì nội tiết thay đổi thì nên tìm đến bác sĩ da liễu để khám và có hướng điều trị cụ thể nhé.
…
<3 4 GIAI ĐOẠN LƯU Ý KHI XỬ LÝ THÂM <3
- Vết thâm thường hình thành sau khi da gặp tổn thương. Da được báo hiệu rằng da đang bị “tấn công” sẽ sản sinh ồ ạt melanin (hắc sắc tố tạo nên độ sậm màu cho da) như 1 cách tự vệ của da chúng ta. Giống như khi cơ thể bạn có mầm bệnh xâm nhập, cơ chế tự vệ của cơ thể làm tăng nhiệt độ lên và gây sốt. Những cơ chế phản vệ này phần nào giúp bảo vệ chúng ta, nhưng chịu đựng chúng thì không dễ chịu chút nào. Sốt làm người mệt lả, khó chịu, thì vết thâm làm màu sắc gương mặt kém tươi tắn, đều màu.
- Tóm tắt lại, nguyên do chính gây nên thâm là: tổn thương da => gia tăng lượng melanin => tạo nên vết thâm.
- Vậy để giải quyết vết thâm hiệu quả và triệt để, chúng ta nên chặn trái chặn phải chặn trước chặn sau chặn đầu chặn đuôi xung quanh sự xuất hiện và phát triển của thằng melanin này đúng không nào? Do đó, mình sẽ trình bày 4 giai đoạn chính liên quan đến “vòng đời” của melanin, để các bạn đối chiếu xem, da mình đang ở giai đoạn nào, từ đó, dùng sản phẩm phù hợp.
- GIAI ĐOẠN 1: Trước khi melanin bắt đầu được sản sinh => tương đương với lúc da bạn chưa có tổn thương, chưa có vấn đề gì có thể nhìn thấy bằng mắt thường được cả, nhưng da bạn dễ bị thâm và bạn luôn cẩn thận trước mọi tình huống có thể khiến da thâm nám.
- GIAI ĐOẠN 2: Melanin đang được sản xuất => tương đương với lúc da bạn bắt đầu có tổn thương, như bị mụn, bị tia UV “đốt” xèo xèo... Đây chính là lúc da chúng ta nhận được lệnh là phải sản sinh melanin như 1 cơ chế phòng vệ choda.
- GIAI ĐOẠN 3: Melanin được sản xuất xong và đang trong quá trình được đưa lên bề mặt da => tương đương với việc tổn thương đang gần lành lại, da gần hết hiện tượng viêm nhiễm, và bạn hồi hộp chờ vết thâm hiện hình T.T
- GIAI ĐOẠN 4: Melanin đã xuất hiện trên bề mặt da và tạo nên vết thâm. Trong quá trình này, thâm vẫn tiếp tục đậm thêm nếu bạn không chăm sóc da.
Các bạn đã xác định được da mình đang ở giai đoạn nào chưa ạ? Nếu xác định được đúng giai đoạn thì chúng ta có thể chọn được thành phần tác động vào vết thâm chính xác và hiệu quả hơn.
Mình thấy, thông thường, các bạn có vấn đề về thâm và muốn trị thâm là da đang ở giai đoạn 4 rồi. Nếu da bạn đang ở giai đoạn này, nên kết hợp cả thành phần dành cho giai đoạn 4, và thành phần dành cho các giai đoạn trước, kiểu “đánh chặn” mọi phía để vết thâm bay nhanh hơn. Dùng 1 mình thành phần cho giai đoạn 4 cũng được, nhưng hiệu quả thấy được sẽ chậm hơn rất nhiều.
…
<3 GIAI ĐOẠN 1 <3
Đây là giai đoạn phòng ngừa thâm, và bạn phải bảo vệ da tốt nhất có thể trước các tổn thương có khả năng xảy ra. Có 2 thứ rất hiệu quả để làm công tác phòng vệ này, đó là: KEM CHỐNG NẮNG và CHẤT CHỐNG OXI HÓA (ANTIOXIDANT)
- Như các bạn đã biết, kem chống nắng (KCN) giúp bảo vệ da khỏi tác động có hại của tia UV trong ánh nắng mặt trời. Chính những tia UV này là thứ kích thích sản sinh melanin cực kỳ nhanh. Da đang trị thâm, hoặc muốn phòng ngừa thâm thì càng phải chú trọng dùng KCN.
Mà dùng không phải là bôi xíu xíu vào buổi sáng xong để đấy đâu nha. Để KCN phát huy tốt hiệu quả (cho xứng với số tiền bạn bỏ ra chứ), cần phải BÔI ĐỦ LƯỢNG KCN (tầm 0,8ml đến 1,2ml cho gương mặt, tùy size mặt của bạn), BÔI ĐỀU LỚP KCN (hạn chế xoa mạnh và miết, chỉ nên xoa nhẹ và vỗ vào da), BÔI LẠI ÍT NHẤT 1 LẦN TRONG NGÀY (trừ khi da bạn không tiết dầu, không đổ mồ hôi, không chạm tay lên mặt, ở trong phòng kín 90% thời gian).
- Các chất chống oxi hóa (OXH) là thứ cực kỳ hữu hiệu trong việc trung hòa tác hại do free radicals (gốc tự do) gây nên cho da. Gốc tự do hình thành từ đủ nguyên nhân. Chẳng làm gì nó cũng hình thành trong da và trong cơ thể, stress hay sinh hoạt thiếu khoa học cũng gây nên gốc tự do, không bảo vệ da dưới nắng càng gây nhiều gốc tự do. Nên gốc tự do là thứ khó mà tránh được. Vì thế, dùng chất chống OXH trong skincare routine giúp giảm tổn thương từ gốc tự do => phòng ngừa vết thâm.
Một số thành phần chống OXH mạnh mẽ, được nghiên cứu chứng minh có thể thấm vào da, chạm được vào tế bào da sống để hoạt động mà bạn có thể tìm thấy dễ dàng trong skincare hiện nay gồm:
+ Vitamin C (Ascorbic Acid)
+ Vitamin E (Tocopherol, Tocopheryl Acetate)
+ Vitamin A (chính là các Retinoids)
+ Superoxide Dismutase
+ Coenzyme Q10 (Ubiquinone) hoặc “anh em gần sinh đôi” Idebenone
+ Polyphenols (như EGCG trong trà xanh, Resveratrol trong các loại dâu, nho, lựu…)
+ Ferulic Acid
(*) LƯU Ý khi chọn sản phẩm chứa chất chống OXH:
- Vì các chất chống OXH hoạt động rất tốt với nhau, tạo thành 1 mạng lưới chống OXH hiệu quả và bền vững hơn, nên các bạn nên tìm sản phẩm chứa nhiều chất chống OXH cùng 1 lúc. Thường các sản phẩm này không rẻ lắm nhưng mà cũng đáng tiền :3 (mình nghèo mình dùng serum chống OXH đơn thôi T.T)
- Các chất chống OXH thường bị OXH rất nhanh và thiếu bền vững (vì chúng gánh hết phần OXH về cho mình để da chúng ta không phải chịu đựng đó ^^), nên hãy tìm sản phẩm chống OXH để trong lọ màu tối, đục, vòi pump càng tốt, để tránh chúng phải tiếp xúc nhiều với không khí, ánh sáng và nhiệt độ cao, để các chất chống OXH bền vững hơn, hoạt động hiệu quả lâu hơn.
…
<3 GIAI ĐOẠN 2 <3
- Đây là giai đoạn quá trình sản sinh melanin khởi động. “Kẻ” chịu trách nhiệm cho giai đoạn đầu của quá trình này là một enzyme tên là TYROSINASE. Thế nên, đương nhiên, chúng ta cần dùng các thành phần ức chế sự hoạt động của Tyrosinase (tiếng Anh gọi các thành phần này là Tyrosinase inhibitors). Đây là những thành phần hiệu quả nhất để sử dụng nếu bạn bị thâm nám, nên các bạn có thể thấy các sản phẩm trị thâm thường có những thành phần này.
- Các thành phần hiệu quả trong việc ức chế Tyrosinase và quá trình trung gian diễn ra khi sản sinh melanin gồm:
+ Hydroquinone: rất hiệu quả trong trị thâm nám nhưng dùng lâu dài và thường xuyên thì không nên vì tác dụng phụ (nếu dùng thì chấm lên vết thâm nám thôi nha, không nên bôi diện rộng)
+ Alpha Arbutin: “cháu” của Hydroquinone nhưng an toàn và dịu nhẹ hơn
+ Azelaic Acid
+ Kojic Acid
+ Licorice (chiết xuất rễ cam thảo)
+ Vitamin C
+ Thiamidol (có mỗi Eucerin có thôi thì phải :-?)
+ Ellagic Acid
+ Lignin Peroxidase
+ Tranexamic Acid
+ Curcumin (chiết xuất nghệ)
- Ngoài các thành phần kìm hãm sự hoạt động của Tyrosinase trên ra, các bạn hoàn toàn có thể sử dụng:
+ Vitamin A (Retinoids): ức chế quá trình phiên mã của Tyrosinase, gây tổn hại đến quá trình hình thành thâm luôn từ đầu nha
+ N-Acetyl Glucosamine: viết tắt là NAG, giúp cản trở sự trưởng thành của Tyrosinase
…
<3 GIAI ĐOẠN 3 <3
- Lúc này, khi melanin đã được sản xuất xong, chỉ còn chờ được đưa lên trên bề mặt. Chúng ta sẽ dùng thành phần có thể cản trở quá trình di chuyển đó.
- Thông thường, các thành phần phụ trách giai đoạn này sẽ cần thời gian nhiều hơn, cần liều lượng cao hơn và chúng ta cũng phải chăm chỉ bôi để thấy hiệu quả trên da.
- Những thành phần giúp ức chế quá trình vận chuyển melanin lên bề mặt da gồm:
+ Hydroquinone và Vitamin A (các bạn thấy 2 thành phần này đa di năng với việc trị thâm không? Hiệu quả ở giai đoạn trên rồi, giai đoạn này vẫn hiệu quả. Chính vì thế mà chúng được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong trị thâm nám bấy lâu nay đó)
+ Niacinamide (kết hợp với NAG cho hiệu quả cao hơn)
+ Soybean (chiết xuất đậu tương)
…
<3 GIAI ĐOẠN 4 <3
- Nếu như các bạn sử dụng thành phần hiệu quả cho trị thâm trong những giai đoạn trước, thì rất có thể, ở giai đoạn 4 này, vết thâm sẽ nhạt màu hơn nhiều so với nếu như các bạn không dùng gì để ngừa/trị thâm cả. Thậm chí có nhiều bạn mụn hết xong cũng không để lại thâm luôn.
Lúc này, các bạn có thể duy trì dùng các sản phẩm trị thâm trước đó bạn vẫn dùng thêm 1 thời gian ngắn nữa là thâm tự hết.
- Tuy nhiên, nếu như bạn thấy vết thâm của mình vẫn cứng đầu, bạn có thể kết hợp thêm 1 số thành phần có khả năng thúc đẩy sự biến mất của vết thâm. Trong đó, nổi bật là các thành phần có tính năng kích thích tế bào chết bong nhanh khỏi da. Như vậy, phần da chết tối màu của vết thâm đó sẽ biến mất dần đi.
Một số thành phần có chức năng này gồm:
+ Vitamin A (Retinoids): nhắc mãi nhắc hoài rồi nhưng nói chung Retinoids trị thâm nám ở mọi giai đoạn luôn nha, tối ưu cực kỳ nếu chúng ta biết dùng đúng cách.
+ Các acid trực tiếp “cà” da chết, gồm: Glycolic Acid (mạnh nhất), Lactic Acid (mạnh vừa), Mandelic Acid, Malic Acid, Lactobionic Acid, Gluconolactone (dịu nhẹ)
+ Azelaic Acid
+ Các enzyme hoa quả (cẩn thận nếu bạn bị dị ứng với loại hoa quả đó)
+ Licorice (chiết xuất cam thảo)
(*) LƯU Ý khi sử dụng các thành phần có khả năng kích thích tế bào chết bong khỏi da:
- Chọn sản phẩm có độ pH phù hợp để các thành phần này hoạt động được hiệu quả nhất
+ Vitamin A hoạt động tốt nhất ở pH từ 5 đến 7.
+ Các acid tẩy da chết hoạt động tốt nhất ở pH từ 3 đến 4. Thấp hơn 3 dễ làm rát da, cao hơn 4 mất phần nhiều hiệu quả.
- Các thành phần có thể làm da nhạy cảm hơn, bị đỏ, rát, khô, tổn thương nếu bạn dùng chúng không đúng cách.
Vì vậy các bạn hãy cố gắng:
+ Nếu chưa dùng bao giờ, bắt đầu ở liều thấp, dịu nhẹ, đừng tương luôn 0.1% Tretinoin hay 12% Glycolic acid lên mặt nhé.
+ Dùng từ 1-2 lần 1 tuần rồi tăng dần lên đến liều lượng mà da bạn chịu được.
…
<3 TỔNG HỢP LẠI <3
Tóm tắt lại cho các bạn không muốn đọc đống dài loằng ngoằng phía trên:
(*) Các thành phần hiệu quả tối ưu nhất trong việc trị thâm, sắp xếp từ mạnh nhất đến yếu nhất (theo đánh giá rất rất chủ quan của mình) là:
- Hydroquinone
- Vitamin A
- Azelaic Acid
- Kojic Acid
- Các loại acid “gột” mặt =))
- Licorice
- Vitamin C
- Alpha Arbutin
- Niacinamide
- mấy cái còn lại không biết sắp xếp sao :v
Trong danh sách trên, những thành phần càng mạnh mẽ thì càng dễ có tác dụng phụ và bạn cần phải cẩn trọng khi sử dụng nhé.
(*) Nên kết hợp các thành phần hiệu quả ở các giai đoạn hình thành thâm khác nhau để đạt hiệu quả tối đa
- Các bạn thấy đó, vết thâm phát triển có giai đoạn, và nhiều thành phần trị thâm trên thị trường chỉ có thể đảm nhiệm được 1 trong số các giai đoạn đó thôi. Nếu các bạn chỉ dùng 1 thành phần duy nhất có tác dụng cho 1 giai đoạn duy nhất trong cả quá trình hình thành vết thâm, hiệu quả có thể đến chậm.
+ Ví dụ như bạn đang trị thâm bằng Niacinamide – một thành phần chỉ có chức năng ngăn cản vận chuyển melanin lên bề mặt da, chứ không cản trở việc hình thành melanin, cũng chẳng giúp “bóc” phần melanin sẵn có đi. Do đó, nếu bạn đang có vết thâm trên mặt rồi, dùng Niacinamide chỉ giúp vết thâm ấy không đậm lên mà thôi. Nếu muốn vết thâm bay nhanh, bạn phải dùng thêm cả thành phần ở giai đoạn 4 để đẩy phần vết thâm sẵn có trên bề mặt da đi nhanh chóng. Từ đó, vết thâm mới biến mất được.
+ Tương tự, nếu bạn đang dùng các thành phần ức chế melanin, rồi dùng tẩy da chết để phần thâm nhạt màu đi, nhưng các bạn không chú ý đến giai đoạn 1 – là phòng ngừa tổn thương, không chú ý chống nắng cho da, da lại tiếp tục bị tổn thương bởi tia UV, quá trình sản sinh melanin mới lại hình thành, tạo nên vòng tròn luẩn quẩn thâm mãi hoàn thâm.
- Vì thế, các bạn có thể dùng riêng lẻ Hydroquinone hoặc Retinoids để trị thâm vì đây là 2 thành phần đa năng, đảm nhiệm được nhiều giai đoạn trong quá trình hình thành thâm. HOẶC nếu sợ phản ứng phụ từ 2 thành phần trên, có thể dùng kết hợp các thành phần trị thâm khác nhẹ nhàng hơn với tính năng khác nhau.
Ví dụ:
+ Các bạn dùng Alpha Arbutin cho giai đoạn 2, dùng kết hợp Niacinamide cho giai đoạn 3, kèm thêm Glycolic Acid cho giai đoạn 4, tất nhiên không quên dùng KCN bảo đảm giai đoạn 1 => như vậy chúng ta đánh chặn được vết thâm ở 4 giai đoạn luôn đúng không nào?
+ Hoặc các bạn có thể đang dùng Vitamin C buổi sáng để chống OXH chẳng hạn, kết hợp thêm Licorice extract, rồi chấm kem Hydroquinone vào những vết thâm bạn thấy “đậm đà” nhất.
+ Như mình hiện tại đang dùng Tretinoin ban đêm (2 lần/tuần), Niacinamide kết hợp NAG hằng tối, AHA nồng độ thấp buổi tối (3 lần/tuần), Vitamin C hằng sáng, chấm Azelaic Acid vào vết mụn có nguy cơ tạo thâm vào buổi sáng (nếu đợt nào có mụn). Tất nhiên, KCN không thể quên. Như vậy, mình thấy vết thâm mới phai nhanh, thâm cũ đang dần phai đi thấy rõ rệt hơn so với hồi xưa, khi mình chỉ dùng mỗi VitC dạng yếu với AHA. Đợt này đang tăm tia em Spot Treatment Serum của Emmié kết hợp Alpha Arbutin và Vitamin C, và em Sidmool Whitening Ampoule có Arbutin và Niacinamide thấy cũng tiện và hấp dẫn (vì Arbutin không dễ để ổn định và cũng dễ mất hiệu quả nhanh nếu sản phẩm không được formulate cẩn thận).
Nói chung, các bạn cứ căn cứ vào danh sách thành phần cho từng giai đoạn, chọn ra thành phần mình dễ mua trong sản phẩm có mặt ở những shop uy tín tại VN, và quan trọng là KIÊN NHẪN. Người hợp thì thâm bớt đi tính bằng tuần, người ít hợp hơn thì thời gian thấy hiệu quả tính bằng tháng đó.
…
Phần lý thuyết đến đây là kết thúc.
Mình sẽ có bài riêng tổng hợp gợi ý các sản phẩm tốt cho từng thành phần trị thâm mà mình nêu ở trên. Các bạn cố chờ mình nhé. Nhét hết vào 1 bài post thì dài quá
Chúc các bạn sớm da đều màu không thâm nám :*
XOXO